Ngày Trở Lại Quế Sơn

.
.


(Bến sông quê nội)

Về tới Đà Nẵng là sáng hôm sau tôi về quê. Quê ngoại Quế Lộc gần hơn nên ghé trước. Tôi còn nhớ rất rõ ngày xưa nhà ngoại tôi nằm bên cạnh nhà thờ họ, có cái sân lát gạch rất rộng nhìn ra cánh đồng, ngoài đầu ngõ mỗi bên trồng một cây duối lớn. Hồi tôi khoảng năm tuổi, một lần ra ngõ đứng nhìn ra, tôi nhìn thấy một đoàn người áo quần đủ màu sắc đi bên kia cánh đồng. Trong trí óc non nớt ngày đó, tôi nghĩ mình đã nhìn thấy tiên, thế là men theo bờ ruộng tôi cắm cổ chạy theo, cho đến khi lọt xuống ruộng, lúc đứng lên được thì đoàn người đã khuất sau lũy tre làng bên. Lủi thủi ra về trong lòng tiếc ngẩn ngơ, hình ảnh đó tôi cứ lưu giữ mãi cho đến ngày khôn ra một tí, mới biết đó chỉ là một đám cưới quê, thì trong lòng cảm thấy nuối tiếc vì đã mất đi một hồi ức tuổi thơ đẹp đẽ.

Ngày xưa vườn nhà ngoại tôi trồng rất nhiều chè và quế. Ngày trở lại vườn cũ hoang tàn, giữa nền nhà thờ cũ là mộ ông ngoại nằm lạnh lẽo. Ông ngoại tôi là một nhà giáo, theo cách mạng từ những năm đầu, bị bắt thủ tiêu hồi năm 1955 , ông mất không tìm thấy xác, má tôi đã về xây một ngôi mộ gió để tưởng nhớ ông. Đứng giữa vườn thèm nghe trong gió mùi hương quế ngày xưa, nhưng quế đâu còn nữa. hoa dẻ lại không gặp đúng mùa, may mà còn có hoa mua an ủi phần nào. Chúng tôi đi thăm mộ bà ngoại, các cậu các dì cùng mộ đứa em nhỏ của mình, tất cả đều nằm trong nghĩa trang chung của dòng họ. Ở lại quê ngoại một đêm gặp bữa cúp điện, dưới ánh trăng thượng tuần làng quê yên tĩnh lạ thường.

Sáng hôm sau ngược sông Thu tìm về quê nội, đã 44 năm rồi mới trở lại chốn xưa. Tôi trở về đúng vào hôm người ta đang làm lễ tách huyện 9/6/2008, quê nội bây giờ thuộc về Nông Sơn, không còn là Quế Sơn nữa, trong lòng tôi lại có chút buồn. Tôi nhớ hồi học lớp 8, năm đó trường tổ chức thi tập san xuân, mỗi lớp làm một cuốn. Thầy Trần Minh Trung chủ nhiệm, bắt lớp tôi đứa nào cũng phải có bài viết. Tôi nộp hai bài, một đoản văn Nhớ Mùa Thu Quê Ngoại và bài thơ Quế Sơn Quê Tôi. Bài nộp đi, vài hôm sau trưởng ban báo chí của lớp là Ngô Văn Phương, mang trả lại cho tôi, kèm theo lời phê bằng bút đỏ của thầy “ Xem lại thử có trích ở đâu không?”Tôi phải cam đoan với thầy là do tôi viết, bài mới được đăng lên. Thế đấy, lần đầu tiên tôi bất đắc dĩ làm thơ, là viết về mảnh đất Quế Sơn dù ký ức rất mù mờ, vì 6 tuổi tôi đã rời xa Quế Sơn rồi. Bài thơ đó bây giờ Phương vẫn còn nhớ, hôm gặp lại vừa rồi Phương đã đọc cho tôi nghe, làm tôi thật bất ngờ.

Trở lại vườn nhà nội cũng hoang tàn y như vườn ngoại, ngày bà nội vào Nam, để khu vườn cho một người bà con đến ở. Vườn thì nằm bên triền sông Phú Gia, mưa bão mỗi mùa cứ về tàn phá, người bà con dọn lên gò ở, vườn bỏ hoang từ đó. Vườn nhà nội xưa trồng rất nhiều cau, mỗi mùa thu hoạch, tiếng cười nói của thợ bổ cau, thợ sấy cau, râm ran cả đêm bên bếp lửa hồng. Bây giờ giữa vườn là mộ của cô Tám tôi cũng là liệt sĩ, trông thật đìu hiu. Chúng tôi ra gò Đình viếng mộ người thân, từ ông bà cố trở xuống tất cả yên nghỉ tại đây. Trong ánh nắng chiều chập choạng tôi ra bờ sông, bãi sông bây giờ bị nước khoét thành bờ vách dựng đứng, cao cách mặt nước cũng tới ba mét, sơ sẩy rất dễ lọt xuống sông. Giờ qua Bình Yên, Dùi Chiêng, người ta thích chạy xe vòng xuống qua cầu Nông Sơn xa hơn cả chục cây số, chẳng còn ai đi đò nữa. Trong ánh chiều hắt hiu lạnh lẽo, mờ mờ sương khói trên sông, ngồi bên rặng tre ven bờ, tôi suy nghĩ mông lung mọi chuyện…lại nhớ ghê gớm một thời tuổi nhỏ đã đi qua xa lơ xa lắc…

Phan Mạnh Thu

2 comments on “Ngày Trở Lại Quế Sơn

Bình luận về bài viết này